Nghe là một trong 4 kỹ năng để giao tiếp hàng ngày. Nghe chiếm 45% trong tổng số các cuộc giao tiếp của chúng ta. Chính vì vậy để học một ngoại ngữ mới thì nghe hiểu là yếu tố quan trọng nhất nhưng cũng là kỹ năng khó khăn nhất. Khi chúng ta học một ngôn ngữ mới chúng ta có thể học đọc, viết, nói nhanh hơn nghe vì quá trình nghe hiểu đòi hỏi sự tổng hợp của nhiều kỹ năng phức tạp như phân tích, phán đoán và nhận diện trong khi nghe.
Một ngôn ngữ thanh điệu như tiếng Việt thì việc nghe hiểu lại càng khó khăn hơn đối với các sinh viên nói tiếng Anh. Trong suốt hơn 20 năm dạy tiếng Việt, tôi đã từng gặp không ít sinh viên không muốn học tiếng Việt hay nói tiếng Việt dù họ đã bỏ thời gian và công sức rất nhiều khi học tiếng Việt vì không thể phân biệt được các dấu hay các vần trong tiếng Việt hoặc không hiểu nhiều khi nói chuyện với người Việt. Vậy, đâu là những cách học nghe hiệu quả khi học tiếng Việt? Trong bài viết này, để trả lời cho câu hỏi trên, tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như các giải pháp mà tôi đã áp dụng cho lớp tiếng Việt năm thứ nhất trong 3 năm qua ở Đại học Columbia. Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu về những đặc điểm ngôn ngữ riêng biệt của tiếng Việt sau đó là các giải pháp mà tôi đã áp dụng cho các lớp học và cuối cùng là đánh giá và phản hồi của sinh viên về những giải pháp này.
Một vài đặc điểm của tiếng Việt
Tiếng Việt là ngôn ngữ thanh điệu có tới 6 dấu nhiều dấu hơn tiếng Trung (4 dấu) và tiếng Thái (5 dấu). Chức năng của thanh điệu là tạo nên nghĩa của các từ nên nếu không phân biệt được các dấu thì sẽ không thể hiểu được nội dung của cuộc giao tiếp. Bên cạnh đặc điểm về thanh điệu thì tiếng Việt cũng là một ngôn ngữ đơn lập (monosyllabic-mỗi từ đơn chỉ có một âm tiết), không biến hình (cách đọc, cách ghi âm không thay đổi trong bất cứ tình huống ngữ pháp nào). Tiếng Việt hoàn toàn khác với các ngôn ngữ Ấn-Âu như tiếng Anh, tiếng Pháp là các ngôn ngữ đa âm, biến hình. Các tiếng được cấu tạo bởi các kết hợp nguyên âm và phụ âm hay còn được gọi là vần. Trong tiếng Việt có khoảng 154 vần và nhiều vần rất khó phân biệt đối với sinh viên nói tiếng Anh như: ai/ay; au/ao hay sự kết hợp của các âm tròn môi: o, ô và u kết hợp các âm cuối -ng, -c, -p, -m. Một đặc điểm khác của tiếng Việt gây khó khăn trong việc dạy và học tiếng Việt là phương ngữ.
Phần lớn sinh viên trong các lớp tiếng Việt tại Đại học Columbia là người Mỹ gốc Việt và nói phương ngữ miền Nam hoặc miền Trung nên cũng có một số khó khăn về dấu hỏi và dấu ngã hay không phân biệt được một số vần như: anh/ang/ăn; iêng/iên; êch/êt.
Chính những đặc điểm ngôn ngữ này là những thách thức và khó khăn cho cả giảng viên và sinh viên nên khi bắt đầu làm việc tại đây, tôi đã soạn riêng một giáo trình tiếng Việt nhấn mạnh vào phần ngữ âm và nghe hiểu cho trình độ sơ cấp.
Giáo trình gồm có 20 bài được biên soạn dựa trên sự kết hợp giữa phương pháp giảng dạy dựa vào nội dung (content-based learning) và thông qua các nhiệm vụ nhỏ (task-based learning). Điểm đặc biệt trong giáo trình này chính là phần phát âm và nhấn mạnh kỹ năng nghe trong mỗi bài học.
Một số phương pháp đã áp dụng
Theo tác giả Tergujeff (2010), dạy phát âm nên được kết hợp với các bài học chứ không nên dạy phát âm một cách độc lập vì điều đó dẫn đến sự nhàm chán và không hiệu quả trong lớp học. Tác giả đã đưa 8 loại hình bài tập dạy phát âm-nghe kết hợp trong mỗi bài học và tôi đã sử dụng 6 kiểu bài tập trong giáo trình tiếng Việt năm thứ nhất:
- Giới thiệu hệ thống ngữ âm gồm bảng chữ cái, hệ thống vần và thanh điệu
- Nghe và quyết định giống/khác nhau
- Nghe viết chính tả
- Nghe và điền dấu thích hợp
- Các bài tập về nghe hiểu
Sau khi thiết kế xong phần ngữ liệu, tôi đã nhận được tài trợ của Trung tâm nguồn lực ngôn ngữ (LRC) tại Đại học Columbia để làm phần ghi âm cho giáo trình này. Với giáo trình và phần ghi âm đầy đủ, tôi đã áp dụng ba kỹ thuật trong giảng dạy ngoại ngữ để giúp các sinh viên vượt qua các thử thách nói trên.
Nghe từ dưới lên (Bottom-Up): Với phương pháp này, học viên sẽ tập trung nghe các đơn vị nhỏ nhất của bài nghe như âm thanh, từ ngữ riêng lẻ, các quan hệ ngữ pháp rồi đến ý nghĩa của thông tin nghe được. Đây là kỹ thuật được áp dụng cho học viên ở trình độ sơ cấp khi bắt đầu nhận diện âm thanh của ngôn ngữ mới học. Các loại bài tập nghe cho phương pháp này bao gồm: nghe và nhận diện cặp từ giống nhau hay khác nhau; nghe và nối từ phù hợp với tranh hoặc nghe và điền từ thiếu vào đoạn hội thoại ngắn.
Nghe từ trên xuống (Top- Down): Đây là phương pháp nghe mà học viên sử dụng các kiến thức mà mình đã có về chủ đề của bài nghe để nghe hiểu những thông tin xuất hiện trong bài. Kỹ thuật này cũng yêu cầu học viên có trình độ trung cấp trở lên với một kiến thức nhất định về ngôn ngữ như lượng từ vựng, độ khó của cấu trúc ngữ pháp và khả năng nghe hiểu trong ngôn ngữ đó. Nghe miêu tả tranh và quyết định bức tranh nào đúng với thông tin nghe được hay nghe hội thoại và cho biết ý kiến, cảm xúc, quan hệ của người nói trong hội thoại đó thế nào là những loại bài tập phù hợp cho phương pháp Nghe từ trên xuống.
Nghe siêu nhận thức (Metacognitive): Được giới thiệu bởi Flavell năm 1976, siêu nhận thức được định nghĩa cụ thể là “tự nhìn nhận vốn kĩ năng, chiến thuật tư duy và vận dụng thành phẩm của quá trình này để đạt một mục tiêu”. Goh và Vandergrift (2018) đã đưa ra 5 bước để áp dụng phương pháp này trong việc học và dạy ngoại ngữ: (i) tự nhận thức (self- awareness); (ii) tự lập kế hoạch (self-planning); (iii) tự giám sát (self-monitoring); (iv) tự điều chỉnh (self- regulation) và (v) tự đánh giá (self- evaluation).
Tôi đã kết hợp cả 3 kỹ thuật này trong việc giảng dạy kỹ năng từ trình độ sơ cấp đến cao cấp. Đối với trình độ sơ cấp, tôi đã sử dụng hai kỹ thuật nghe từ dưới lên và nghe từ trên xuống để giúp sinh viên nhận diện cấp độ từ ngữ rồi đến cấu trúc ngữ pháp đơn giản cuối cùng là nghĩa hay thông điệp của bài nghe. Đối với trình độ trung cấp và cao cấp thì tôi áp dụng kỹ thuật nghe siêu nhận thức giúp sinh viên nghe một cách chủ động hơn với 5 bước áp dụng trong kỹ thuật này. Năm bước của kỹ thuật này cũng có thể tương đương với các bước trước khi nghe, trong khi nghe (2 hoặc 3 lần) và sau khi nghe giúp sinh viên xác định được chủ đề của bài nghe, tự lập kế hoạch trước khi nghe cần phải tìm kiếm thông tin gì sau đó tự điều chỉnh hay giám sát những thông tin mà mình đang cần tìm kiếm và bước cuối cùng là tự đánh giá được kết quả của quá trình nghe và nắm bắt thông tin. Để có thể hiểu rõ hơn về quy trình một bài dạy nghe kết hợp với nội dung của bài học thì Christine Goh và Larry Vandergrift (2018) có đưa ra một bài mẫu cho quy trình này.
Kết quả ban đầu và phản hồi của người học
Trong 3 năm học từ 2019 -2022, tôi đã sử dụng giáo trình tiếng Việt trình độ sơ cấp 101 và 102 cho khóa học Tiếng Việt Năm Thứ Nhất. Phần lớn thời gian trên lớp học, tôi kết hợp cả 3 kỹ thuật trên giúp sinh viên nhận diện các âm/ vần/ thanh điệu trong các bài tập: nghe và nhắc lại; phân biệt các vần dễ nhầm lẫn và một trong những bài luyện mà sinh viên yêu thích nhất là nghe và viết chính tả.
Ngoài ra, các sinh viên cũng sử dụng phần ghi âm để luyện tập nghe-viết hay nghe hiểu để hoàn thành các bài tập ở nhà. Để đánh giá về tính hiệu quả của tài liệu cũng như các kỹ thuật dạy nghe -phát âm trên lớp, tôi đã thiết kế một bài đánh giá 3 kỹ năng: Nghe – Viết – Nói trên ứng dụng Lingt, một ứng dụng mà giáo viên có thể thiết kế các bài tập nghe, nói, đọc, viết với hình ảnh, video và mp3. Bài kiểm tra gồm 5 phần: (1) nghe và viết những từ nghe được; (2) điền thanh điệu cho các từ; (3) nhìn tranh và viết miêu tả tranh; (4) đọc to một đoạn văn và (5) giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt. 15 sinh viên năm thứ nhất (Novice High) và 5 sinh viên năm thứ 2 (Intermediate High) tham gia bài đánh giá này. Kết quả của dự án này đối với tôi khá ấn tượng: tất cả sinh viên năm 2 đều đạt độ chính xác 100% về điền đúng thanh điệu, đọc trôi chảy và giới thiệu lưu loát về bản thân mình (phần 2, phần 4 và phần 5). Các sinh viên này cũng đạt được độ chính xác 95% khi viết các từ và miêu tả tranh (phần 1 và phần 3). Đối với các sinh viên năm thứ nhất, do chuyển đổi hình thức học trực tuyến trong thời kỳ Covid-19 nên kết quả cũng chưa được cao như mong đợi. Tất cả sinh viên năm thứ nhất đều đạt độ chính xác và lưu loát 90% khi đọc to đoạn văn và giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt (phần 4 và phần 5). Sinh viên đạt được độ chính xác từ 60 -70% (phần 1, phần 2 và phần 3).
Tôi cũng đã thực hiện một khảo sát về việc sử dụng phần ghi âm cho luyện tập kỹ năng nghe và các loại hình bài tập phát âm- nghe hiểu trong giáo trình dành cho năm thứ nhất và cũng nhận được các phản hồi của các sinh viên như sau:
- Đôi khi em nghe lại các đoạn hội thoại và nghe cách phát âm.
- Phần ghi âm rất hữu ích khi tôi học các âm kết hợp!
- Đôi khi tôi sẽ sử dụng lại các phần nói của các lĩnh vực khác nhau để luyện khả năng nghe hiểu của mình, hoặc tạm dừng hoặc giảm tốc độ để hiểu hoàn toàn và lặp lại những gì họ đang nói.
- Tôi sử dụng audio và làm bài tập trong sách bài tập, nhưng sau đó nghe lại và viết lại các từ ngay tại đây và so sánh với sách giáo khoa.
- Tôi muốn nghe nhiều hơn trong lớp so với nghe ghi âm; Ngoài ra, biết ý nghĩa của các từ mới trước khi phải xác định các âm thanh.
Để kết thúc bài viết này tôi muốn nhấn mạnh một điều rất quan trọng trong việc dạy phát âm-nghe hiểu cho trình độ sơ cấp là xây dựng một chiến lược học nghe cho sinh viên ngay từ những giờ học đầu tiên với những kỹ thuật mà tôi đã đề cập trong bài viết và một không khí học vui vẻ khi học phát âm sẽ là những động lực giúp sinh viên vượt qua những khó khăn ban đầu khi học về thanh điệu hay phân biệt các vần trong tiếng Việt. Kế hoạch tiếp theo của tôi là sẽ hoàn thiện giáo trình tiếng Việt sơ cấp 101 & 102 và phần ghi âm và có thể thực hiện một các đoạn video ngắn theo các chủ đề hội thoại của giáo trình được ghi hình ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam để giúp sinh viên hiểu thêm về ngôn ngữ vùng miền.
Tài liệu tham khảo
Flavell, J. H. (1976). Metacognitive aspects of problem solving. In L. B. Resnick (Ed.), The nature of intelligence (pp. 231–235). Lawrence Erlbaum Associates.
Goh, C. C., & Vandergrift, L. (2018). Reflective and effective teaching of listening. In M. Zeraatpishe, A. Faravani, H. R. Kargozari, & M. Azarnoosh (Eds.), Issues in Applying SLA Theories toward Reflective and Effective Teaching (Vol. 7, pp. 179-197). Brill. https://doi.org/10.1163/9789004380882_013
Tergujeff, E. (2010). Pronunciation teaching materials in Finnish EFL textbooks. In A. Henderson (Ed.), English Pronunciation: Issues and Practices (EPIP) Proceedings of the First International Conference (pp. 189-205). Université de Savoie. Laboratoire Langages, Littératures, Sociétés. Collection Langages, 9.