5 hoạt động dạy từ vựng tiếng Việt 

Khi lớp học ngôn ngữ truyền thống chuyển sang hình thức trực tuyến, giáo viên luôn mong muốn có những cách thức mới để giảng dạy và duy trì sự hào hứng của sinh viên với lớp học, khuyến khích các em tham gia vào các hoạt động của lớp. Bài viết này giới thiệu…

By.

min read

Русский: «Фламандские пословицы» (нид.Tiếng Việt:

cHJpdmF0ZS9sci9pbWFnZXMvd2Vic2l0ZS8yMDIyLTA4L2xyL3drMTMzNTI4NDAtaW1hZ2UuanBn

Khi lớp học ngôn ngữ truyền thống chuyển sang hình thức trực tuyến, giáo viên luôn mong muốn có những cách thức mới để giảng dạy và duy trì sự hào hứng của sinh viên với lớp học, khuyến khích các em tham gia vào các hoạt động của lớp. Bài viết này giới thiệu năm cách giáo viên lớp Tiếng Việt sơ cấp có thể áp dụng khi dạy từ vựng trong các lớp online. 

1 – Tìm đúng từ (Matching) 

Hoạt động này nhằm mục đích giới thiệu từ mới tới sinh viên và thúc đẩy sự chú ý (noticing) của các em về nghĩa và dạng của từ. Việc chú ý đến từ mới hay cấu trúc mới là một trong các yếu tố quan trọng nhất trong quá trình lĩnh hội ngôn ngữ. (Schmidt, 1990). Giáo viên cần chuẩn bị một bộ từ vựng online (digital flashcards) bao gồm khoảng 10-15 từ cho sinh viên. Đây là những từ giáo viên muốn sinh viên học trong bài giảng đó. Mỗi thẻ trong bộ từ vựng gồm một hình ảnh minh hoạ và từ bằng tiếng Việt, không có tiếng Anh hay ngôn ngữ khác. Mỗi thẻ cũng có một số thứ tự từ 1-10 hoặc từ 1-15, tùy số lượng từ vựng. Giáo viên có thể tạo bộ từ vựng online này qua Google slides hoặc in ra dạng PDF để gửi cho sinh viên khi bắt đầu hoạt động. Sau khi sinh viên nhận được bộ từ vựng online này, các em có thể xem qua tất cả các từ trong khoảng 1 phút. 

Trong hoạt động này, giáo viên gọi tên từng từ. Nhiệm vụ của sinh viên là chọn ra đúng thẻ từ tương ứng với tên của từ mà giáo viên đọc. Sinh viên sẽ ghi số của thẻ từ đó vào phần chat của lớp. Sinh viên nào thực hiện nhanh nhất và đúng được nhiều từ nhất sẽ giành chiến thắng ở hoạt động này. 

Tuỳ trình độ của sinh viên, giáo viên cũng có thể biến đổi hoạt động này bằng cách yêu cầu sinh viên viết ra từ các em nghe được, thay vì chỉ viết số của thẻ từ. Như vậy, sinh viên sẽ có cơ hội luyện tập sử dụng bàn phím và viết từ vựng. Khi đó, sinh viên cũng có thể nhớ từ tốt hơn.

2 – Ghép đôi (Pairing) 

Hoạt động này là một bước nâng cao từ của hoạt động 1. Cùng sử dụng bộ từ vựng online trên, nhưng nếu giáo viên muốn sinh viên vừa đồng thời học từ vựng, vừa kích hoạt sự chú ý của các em đến ngữ pháp, cách sắp xếp từ trong câu, giáo viên có thể sử dụng hoạt động “Ghép đôi” này. 

Ở hoạt động này, giáo viên sẽ đọc tên của hai thẻ trong bộ thẻ từ vựng theo thứ tự sắp xếp đúng ngữ pháp. Ví dụ, “tô lớn”; “phở gà” trong đó mỗi từ xuất hiện trong một thẻ riêng biệt. Tương tự như hoạt động trên, sinh viên sẽ cần viết đúng số thứ tự các từ đó xuất hiện trong bộ thẻ từ vựng sau khi nghe giáo viên đọc cụm từ hoặc từ ghép đó. 

Sinh viên nào viết đúng số và nhiều lần nhất sẽ là người chiến thắng. Tương tự như hoạt động 1, giáo viên có thể yêu cầu sinh viên viết cặp từ hoặc từ ghép đó ra, thay vì chỉ viết số để nâng cao mức độ phức tạp của hoạt động nếu cần thiết.

3. Kahoot it! 

Để tiếp nối hai hoạt động trên, giáo viên chuẩn bị một hoạt động trên Kahoot để sinh viên học và chơi. Hoạt động này đóng vai trò giúp sinh viên một lần nữa tiếp xúc với các từ vựng mới để kích hoạt sự chú ý và bắt đầu ghi nhớ các từ. Trong khi hai hoạt động đầu không yêu cầu sinh viên phải nhớ các từ, chỉ đơn thuần lặp lại các từ nghe được và ghép nó với các từ trong bộ từ, ở trò chơi Kahoot này, sinh viên sẽ gặp các câu hỏi Đúng/Sai, lựa chọn đáp án đúng, ghép các từ theo đúng nghĩa.

Ví dụ một số câu hỏi có thể bao gồm “Beef noodle is Bò phở, đúng hay sai?” hoặc “A large bowl là một lớn tô, đúng hay sai?” Vì sinh viên đã gặp tình huống này trong hoạt động 2, họ có cơ hội để lưu ý về cấu trúc từ ghép một lần nữa ở đây. Giáo viên cũng có thể nhân cơ hội này giải thích cách sắp xếp các từ đó theo đúng cấu trúc ngữ pháp. Vì trò chơi này có tính cạnh tranh cao, sinh viên thường sẽ rất hứng thú khi tham gia. Khi trả lời họ sẽ nhận được đáp án ngay và từ đó có thể ghi nhớ cấu trúc đúng dễ dàng hơn.

4. Quizlet live

Thay vì Kahoot, giáo viên cũng có thể cho sinh viên thực hiện hoạt động từ vựng theo nhóm qua Quizlet live. Sinh viên sẽ thi với nhau theo nhóm. Nhóm nào trả lời tất cả các câu hỏi trong thời gian nhanh nhất sẽ giành chiến thắng.

Để triển khai hoạt động này, giáo viên cần chuẩn bị sẵn một bộ từ vựng và yêu cầu sinh viên tham gia bằng cách nhập mã do Quizlet tạo ra. Sau khi người chơi đã tham gia, Quizlet sẽ tạo ra các nhóm chơi một cách ngẫu nhiên hoặc theo sự sắp xếp của giáo viên. Nếu giáo viên sử dụng Zoom cho lớp học của mình, họ sẽ cần nhóm sinh viên vào các phòng riêng biệt (break out rooms) theo từng nhóm như trong Quizlet. Sau khi tất cả các sinh viên đã vào các phòng của họ, giáo viên sẽ bắt đầu trò chơi. Trò chơi kết thúc khi có đội giành chiến thắng. 

5. Bingo

Đây có thể là một hoạt động ở buổi học sau để ôn lại các từ vựng đã học trong bài trước. Giáo viên sẽ chuẩn bị một trang Google Docs với một bảng trống gồm 4 hàng ngang và 4 hàng dọc (hoặc 3 ngang x 3 dọc) tuỳ thuộc vào số từ giáo viên muốn ôn lại. Ngoài ra, giáo viên cũng cung cấp cho cả lớp một danh sách các từ vựng cần ôn lại đó. Số từ vựng này có thể nhiều hơn số ô trống trong Google Docs để tăng tính phức tạp cho trò chơi. Sinh viên được yêu cầu tạo một bản sao của bản Google Docs đó và viết từ trong danh sách từ giáo viên cung cấp một cách ngẫu nhiên vào các ô của mình. Sau khi tất cả đã chuẩn bị xong, giáo viên sẽ đọc từ bất kỳ. Sinh viên nào có từ đó trong bản Google Docs của mình sẽ bôi màu (highlight) từ đó.

Khi sinh viên đạt được 4 (hoặc 3, tuỳ bảng sử dụng) hàng dọc, hàng ngang, hoặc hàng chéo liên tiếp có từ đã bôi màu, sinh viên đó sẽ hô to Bingo và giành chiến thắng. Cuối cùng, sinh viên cần chia sẻ màn hình của mình để giáo viên và các bạn trong lớp có thể kiểm tra kết quả và xác nhận chiến thắng.

Trên đây là năm gợi ý để giảng dạy từ vựng trong các lớp Tiếng Việt trực tuyến trình độ sơ cấp. 

Ở hoạt động 1 và 2, giáo viên có thể tăng thêm tính thực tế của hoạt động bằng cách tạo ra một bối cảnh trong đó sinh viên được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ (task) liên quan tới bối cảnh đó. Ví dụ như nếu các từ vựng liên quan tới các từ trong nhà bếp, giáo viên có thể tạo ra một bối cảnh như sau: Một đầu bếp đang sắp xếp lại căn bếp của mình. Anh ấy cần dán nhãn cho mỗi món đồ trong nhà bếp để tiện cho việc sắp xếp. Khi đầu bếp gọi tên từng đồ vật, em hãy giúp đầu bếp bằng cách viết tên đồ vật đó ra để tiện cho việc dán nhãn. Như vậy, hoạt động này sẽ mang tính thực tế và có ý nghĩa. Hoạt động 3, 4, 5 là những trò chơi trực tuyến khá phổ biến, nhưng nếu được sử dụng đúng mục đích sẽ mang lại hiệu quả tốt cho lớp học. 

Reference

Schmidt, R. W. (1990). The role of consciousness in second language learning. Applied Linguistics, 11(2), 129–158. https://doi.org/10.1093/applin/11.2.129

Sign up to receive news and updates from GUAVA in your inbox, every quarter.

Hoa Le
+ posts

Hoa Le (Lê T. Vinh Hoa) joins the Department of East Asian Languages and Civilizations in the Fall of 2022 as the director of the Vietnamese language program. Prior to this position, she taught Vietnamese language classes at the University of Hawai‘i at Mānoa (UHM) where she has been pursuing her Ph.D. in Second Language Studies focused on task-based language teaching, second language acquisition, and heritage language learners.